Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Vô, phi, bất trong tiếng Việt
Đỗ Phương Lâm

(Bài đã đăng trên Ngôn ngữ & đời sống số 12 (98) - 2003, tr. 5-8. )

Từ lâu các sách dạy ngoại ngữ của ta vẫn dùng các thuật ngữ "bất qui tắc"để dịch khái niệm irregular (tiếng Anh) và "bất động vật" để dịch khái niệm                            ( Tiếng Nga ). Đó là những kết hợp chưa thật chuẩn về mặt ngữ pháp, nên sửa lại là: "phi qui tắc" hoặc "bất tuân quy tắc", " phi động vật" hoặc "bất thị động vật".
 Trong cảm thức ngôn ngữ chung của người Việt Nam, vô, phi, bất là những yếu tố vay mượn từ tiếng Hán, dùng làm tiền tố cấu tạo từ, mang chức năng phủ định ý nghĩa của yếu tố đứng sau chúng. Chúng ta thường khó phân biệt rạch ròi cách dùng của từng yếu tố trong những trường hợp cụ thể. Dưới đây là một vài nhận xét nhỏ, mong góp phần tìm hiểu sự khác nhau về nghĩa và ngữ pháp của các yếu tố vô, phi, bất.
1. Trước hết cần thấy rằng vô, phi, bất vốn là các trạng từ phủ định, tức chúng có khả năng hoạt động độc lập và tương đối tự do khi kết hợp với các yếu tố khác trong tiếng Hán. Tuy nhiên, khi được vay mượn vào trong tiếng Việt, vô, phi, bất chỉ hoạt động với vai trò là các yếu tố cấu tạo từ mà không thể là các từ độc lập. Hơn nữa khả năng kết hợp tự do của chúng đã bị hạn chế đi rất nhiều. Mỗi yếu tố chỉ kết hợp với một số yếu tố nào đó (có thể là các từ, các ngữ), được hạn định về mặt ngữ nghĩa, ngữ pháp hay đơn thuần chỉ là do tập quán. Mặc dù vậy, vô, phi, bất vẫn là những yếu tố Hán Việt năng sản, được dùng phổ biến và rộng rãi trong sinh hoạt ngôn ngữ của người Việt.
 Tiếng Hán cổ có rất nhiều từ đượ c dùng làm trạng từ phủ định như: bất, vô , vô , vô, phi, phủ, phất, mạc , vong , võng , vật , vị , mạt , phỉ , hưu,v.v.. Trong đó có một số từ có nghĩa và cách dùng tương đương nhau, có thể thay thế cho nhau. Tiếng Việt của chúng ta chỉ vay mượn ba yếu tố thông dụng nhất, cũng là ba đại diện tiêu biểu cho các trạng từ phủ định của tiếng Hán, đó là:  vô, phi, bất. Ba yếu tố này có ý nghĩa và cách dùng hoàn toàn khác nhau, cho nên không thể thay thế cho nhau trong các kết hợp tạo từ tiếng Việt. Lựa chọn yếu tố này hay yếu tố kia trong khi cấu tạo từ sẽ cho những kết quả khác nhau về ngữ nghĩa. Ví dụ:
phi thường: khác thường, vượt xa mức bình thường, đáng khâm phục. ( thành tích phi thường, con người phi thường)
 bất thường: không theo lệ thường, (hội nghị bất thường); dễ thay đổi (thời tiết bất thường)
 Có thể dễ dàng nhận thấy sự nhầm lẫn của người Việt Nam về cách dùng giữa các yếu tố vô, phi, bất thường xảy ra theo hai nhóm: nhầm lẫn giữa bất với phi,  hoặc nhầm giữa bất với . Điều này có lẽ là do bất  thông dụng hơn cả trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt. Nhất là ở ta, bất  nhiều khi được dùng tràn lan, thậm chí một số người còn có thói quen hễ cần phủ định ý nghĩa của từ nào thì lập tức thêm bất vào phía trước từ đó.
2. Thử khảo sát trên cơ sở lí thuyết cũng như hoạt động thực tiễn, ta sẽ thấy rõ những đặc trưng riêng của mỗi yếu tố.
2.1. Về mặt lí thuyết, không gì hơn là chúng ta tìm về cội nguồn của các yếu tố trên, đó là tiếng Hán cổ. Trong ngữ pháp Hán cổ, vô, phi, bất là những phủ định từ. Trong đó bất đứng trước động từ, tính từ, nghĩa là : không/ chẳng (làm, hành động...), không/ chẳng( như thế nào, ra sao...); phi đứng trước danh từ, tương đương với bất thị 不是 nghĩa là: chẳng phải/ không phải( cái ấy/ việc ấy/ người ấy...), đứng trước danh từ, tương đương với bất hữu 不有, có nghĩa là chẳng có/không có (người ấy/ việc ấy/ cái ấy...). Các quy tắc đó vẫn được tuân thủ khi chúng hoạt động trong tiếng Việt. Để thấy rõ điều này ta cùng xem xét một số từ, ngữ đoạn, thành ngữ thông dụng trong tiếng Việt, ở đó có sự xuất hiện của các yếu tố vô, phi, bất.
2.1.1. Trước hết là bất : bất an, bất bạo động, bất bằng, bất biến, bất biết, bất cần, bất cẩn, bất cập, bất chấp, bất chính, bất chợt, bất công, bất cứ, bất di bất dịch, bất diệt, bất đắc chí, bất đắc kì tử, bất đẳng thức, bất định, bất đồ, bất đồng, bất động, bất động sản, bất giác, bất hạnh, bất hảo, bất hiếu, bất hoà, bất hủ, bất kể, bất khả tri luận, bất khả xâm phạm, bất kham, bất khuất, bất kì, bất lợi, bất luận, bất lực, bất lương, bất mãn, bất minh, bất mục, bất nghì, bất nghĩa, bất ngờ, bất nhã, bất nhân, bất nhẫn, bất nhất, bất như ý, bất nhược, bất phân thắng bại, bất phương trình, bất quá, bất tài, bất tận, bất tất, bất thành cú, bất thành văn, bất thần, bất thình lình, bất thường, bất tiện, bất tỉnh, bất tỉnh nhân sự, bất trắc, bất trị, bất túc, bất tử, bất tường, bất ý.
Hoặc:  -Ngọc bất trác bất thành khí
            Nhân bất học bất tri lí 
                   ( Ngọc không mài dũa, không thành vật quí
   Người không học không biết lẽ sống)
            -Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần....
( Ba con trai không giàu, bốn con gái chẳng nghèo)
Theo quy tắc ngữ pháp, các kết hợp đúng là các kết hợp mà các thành tố đứng sau bất phải có khả năng đảm nhiệm vai trò là các động từ hoặc tính từ trong bất kỳ sự xuất hiện nào. Như vậy các kết hợp ở trên đủ làm thoả mãn chúng ta, vì an ( yên bình), hảo( tốt đẹp), lương (thiện, lành), nhân ( nhân đức)... đúng là những tính từ; luận( bàn bạc), quá (vượt qua), trắc (lường, liệu)...đúng là những động từ. Nếu có phân vân đôi chút thì đó là các kết hợp dễ làm ta lầm tưởng những thành tố đứng sau bất là những danh từ hay danh ngữ:
- bất kì ( không xác định ), trong đó ( kì hạn) vốn có nghĩa gốc là hẹn, ước hẹn ( là một động từ).
- bất đẳng thức( cặp biểu thức không bằng nhau, lớn hơn hoặc nhỏ hơn), bất khả tri luận ( thuyết không thể biết được), bất phương trình ( bất đẳng thức có chứa một hay nhiều số chưa biết), bất động sản ( những tài sản không chuyển rời đi được như nhà cửa, ruộng vườn). Trong các kết hợp này: bất đẳng, bất khả tri, bất phương, bất động đều là những kết cấu định ngữ, bổ nghĩa cho các danh từ làm trung tâm ngữ đứng phía sau chúng là: thức, luận, trình sản.

    bất động                             sản
   Định ngữ                     Trung tâm ngữ
 



Bất tuyệt nhiên không kết hợp với các danh từ để tạo thành các từ mới. ở trong tiếng Hán, người ta đã từng tranh cãi và giải quyết rạch ròi về vấn đề này. Ví dụ: văn ngôn viết: "quân bất quân"  君不君 bất đứng giữa hai từ quân (vua). Đó là cách dùng đặc biệt của văn ngôn. Khẩu ngữ lại nói : " quân bất thành cá quân" (vua chẳng ra một vị vua). Chữ quân thứ hai đứng sau bất chỉ biểu thị một loại tính chất hoặc trạng thái, có tác dụng tương đương với tính từ.[1] Hay như Kinh Thi có câu Tử bất ngã tư 子不我思 (chàng chẳng nhớ ta), sau bất là danh từ làm đại từ nhân xưng : ngã. Tiếng phổ thông Trung Quốc nói là: "nhĩ bất tưởng ngã" 爾不想我   mà không nói là: "nhĩ bất ngã tưởng"爾不我想 như kết cấu của văn ngôn.[2] Hoặc bất lại thường đứng trước danh từ trong cách nói tỉnh lược, ví dụ: "phi cơ bất phi cơ" rút gọn từ "lai phi cơ lai bất phi cơ" (lái máy bay hay không lái máy bay); "bất nhân, bất quỷ" rút gọn từ: "bất tượng nhân, bất tượng quỷ" (chẳng giống người, chẳng giống quỷ)...
Do vậy các kết hợp kiểu: bất quy tắc hay bất động vật đã nói tới ở đầu bài viết đều là những cách dùng khó có thể chấp nhận của bất. Với bất quy tắc có lẽ không cần phải bàn thêm, vì quy tắc hiển nhiên chỉ có thể là danh từ. Còn bất động vật (inanimate) chỉ có thể biểu đạt nghĩa: vật đứng im, không chuyển động, di dời, xê dịch, vật không có hoạt động, sự sống..., tức là bất động làm định ngữ cho vật. Với nghĩa này, bất động vật có cấu trúc tương đương với bất động sản, bất đẳng thức, bất biến thể... Nhưng                              trong tiếng Nga lại dùng để chỉ những gì không phải là động vật, như: cây, cỏ, núi, sông, nhà cửa... Bất ở đây lại làm định ngữ cho động vật, tức là bất phủ định danh từ đứng sau nó, trong khi "nhiệm vụ" này xưa nay đã được "phân công" cho phi:
       phi                               động vật
   Định ngữ                     Trung tâm ngữ
 



2.1.2. Với phi, ta có các kết hợp: phi âm tiết, phi cú pháp, phi chính phủ, phi đạo đức, phi lý, phi nhân tính, phi nghĩa, phi phàm, phi pháp, phi quân sự, phi quốc gia, phi thương bất phú, phi sản xuất, phi thường, phi thực tế, phi vô sản ...
Các kết hợp trên không có vấn đề gì cần nói thêm. Đó là những kết hợp bình thường của phi với những thành tố có khả năng đảm nhiệm vai trò là các danh từ (âm tiết, cú pháp, chính phủ, đạo đức, lý, nghĩa, pháp, quân sự, quốc gia, vô sản, thương, nhân tính, phàm, thường) đứng sau.
Duy có trường hợp phi sản xuất, phi lại phủ định cho một động từ, như thế cũng là "chơi lấn sân" bất.
2.1.3. Với vô, ta có các kết hợp: vô bào, vô biên, vô bổ, vô bờ, vô can, vô chính phủ, vô chủ, vô chừng, vô cớ, vô công, vô công rồi nghề, vô cùng, vô cực, vô danh (tiểu tốt), vô duyên, vô đạo, vô địch, vô điều kiện, vô định, vô độ, vô gia cư, vô giá (trị) , vô hại, vô hạn , vô hiệu, vô hình, vô hình (trung), vô học, vô ích, vô kể, vô khối, vô kỉ luật, vô lại, vô lễ, vô lí, vô liêm sỉ, vô lo, vô loài, vô loại, vô lối, vô luân, vô luận, vô lực, vô lương, vô mưu, vô ngần, vô nghĩa, vô nghiệm, vô nguyên tắc, vô nhân(= bất nhân), vô nhân đạo, vô ơn, vô phép, vô phước, vô phúc, vô phương( cứu chữa), vô sản, vô sản chuyên chính, vô sỉ, vô sinh, vô song, vô số, vô sự, vô tài( bất tài), vô tâm, vô tận, vô thanh, vô thần( luận), vô thời hạn, vô thuỷ vô chung, vô thừa nhận, vô thức, vô thường vô phạt, vô thượng, vô tỉ, vô tính sự, vô tiền khoáng hậu( không tiền khoáng hậu), vô tình, vô tính, vô tổ chức, vô tội, vô tội vạ, vô trách nhiệm, vô tri, vô tri vô giác, vô trùng, vô tuyến, vô tư 無私(không có sự riêng tư) vô tư 無思(không suy nghĩ, đắn đo), vô tư lự, vô uý, vô ý, vô ý thức, vô vọng,  vô vi, v.v . Trên đây phần lớn là các kết hợp  của với các danh từ, đó là các kết hợp tuân theo qui tắc. Tuy nhiên, ta cũng thấy kết hợp với khá nhiều động từ: địch, học, kể, lo, luận (bàn, nói tới), ơn, thừa nhận, tư (suy nghĩ), tri (biết), tư lự, uý (sợ hãi), vi (làm, hành động), vọng (ngóng, trông mong, hy vọng), trong đó các động từ này phần lớn có thể đảm nhiệm vai trò là các danh từ trong các ngôn cảnh khác. Ví du: vô học: không có học thức, không được giáo dục. Học trong vô học rõ ràng là danh từ.
3. Nhưng tại sao không dùng bất + động từ mà lại dùng vô+ động từ ? Đây có phải là những kết hợp sai quy tắc cần chỉnh sửa không? Trên thực tế, bất  khi kết hợp cùng với một động từ mang lại những nét nghĩa rất khác nhau, mà chúng ta không dễ nhận ra.
3.1.Bất là sự phủ định tuyệt đối, ở cấp độ cao hơn
- Người vô tài: hiện nay không có tài, nhưng nay mai có thể có tài, người bất tài sẽ vĩnh viễn không bao giờ có tài được[3]. Biểu hiện sự thất vọng, mỉa mai hay sự coi thường, miệt thị đối với ai đó.
- Nơi vô định: nơi hiện nay không xác định được, nhưng nơi bất định thì không tài nào xác định được.
- Vô luận : không bàn đến, bất luận: chẳng thèm bàn đến.
3.2. Ta có thể nhận thấy Vô + động từ luôn mang một sắc thái ý nghĩa khác với Bất + động từ , đó là nghĩa: không cần, không thể, không có khả năng... hay nghĩa hàm ẩn là sự bình phẩm, đánh giá. Đây là một cách dùng độc đáo, rất riêng chỉ thấy khi bất hoạt động trong tiếng Việt. Có thể đưa ra công thức:
Vô + động từ  =  bất  khả  (không thể) +  động từ .
Chúng ta thử phân tích một số trường hợp cụ thể:
- Vô kể: (ở trạng thái... đến mức không thể kể xiết: Anh ấy mua quà cho tôi nhiều vô kể) kể không thể là một danh từ trong bất kì trường hợp nào. Trong khi ta đã có từ bất kể được dùng với nghĩa: không có sự phân biệt, lựa chọn, loại trừ trường hợp cụ thể nào cả. kể tương đương với bất khả kể hay không thể kể.
- Vô địch: tương đương với vô (nhân) khả địch: không (ai) có thể địch nổi.
- Vô luận: không cần bàn, không phải bàn (biểu thị ý không loại trừ trường hợp nào cả, bất kể: việc gì cũng làm, vô luận tốt hay xấu).
- Vô tri : không có khả năng nhận biết: vật vô tri, khác với bất tri: không biết, chỉ là sự phủ định đơn thuần.  
... Tương tự vậy, vô lo (không cần lo), vô ơn (không cần mang ơn), vô thừa nhận (không ai cần/thèm thừa nhận), vô tư (không cần suy nghĩ, đắn đo), vô tư lự (không nghĩ ngợi), vô uý (không cần/ phải sợ hãi), vô vi (không cần làm/ hành động gì. (vô vi nhi trị: cứ để mặc tự nhiên mà nước được trị), vô vọng (không thể hi vọng, mong đợi).



TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1.     Phan Ngọc- Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt- Nxb. Thanh niên, H., 2001
2.     Lã Thúc Tương- Trung Quốc văn pháp yếu lược,  quyển thượng, tr 91.
3.     Cao Giáo Thụ- Trung Quốc ngữ văn


[1] Lã Thúc Tương- Trung Quốc văn pháp yếu lược,  quyển thượng, tr 91.
[2] Cao Giáo Thụ- Trung Quốc ngữ văn
[3] Phan Ngọc- Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt- Nxb. Thanh niên, H., 2001


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét