Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Cuộc “xâm lăng” của tiếng Anh vào tiếng Việt

TS. Nguyễn Thị Hiên, Ths. Đỗ Phương Lâm

Hơn bao giờ hết, chúng ta đang chứng kiến cuộc “xâm lăng" của tiếng Anh vào tiếng mẹ đẻ. Tới mức, nhiều người đã rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này [2], [7], [9]. Tiếng Anh đang tràn lan khắp mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Khẩu ngữ cũng như văn bản, phương tiện thông tin đại chúng cũng như cá nhân đều lạm dụng tiếng Anh.
1. Thực trạng 
Trước hết phải kể đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Những người dẫn chương trình mà ngày nay quen gọi là "em-xi" (MC viết tắt của master of ceremonies) thường có những từ (ngữ) cửa miệng như: "ghêm- xâu" (game show: trò chơi truyền hình), "phan" (fan: người hâm mộ), "cờ-líp" (clip: đoạn phim), "hót" (hot: nóng bỏng, đắt khách), "pi-gi" (PG viết tắt của promotion girl: cô gái quảng cáo bán hàng), "tin" hoặc "tuổi tin" (teen/ teen age: thanh thiếu niên), "tốp" (top: đứng đầu), xốp-ping (shopping: mua sắm), v.v. Báo chí, nhất là truyền hình và quảng cáo trên truyền hình có sức lan tỏa nhanh và mạnh trong xã hội. Theo đó, các lĩnh vực chủ chốt của đời sống xã hội phần nhiều được "trang sức" bằng tiếng Anh.
Trong các chương trình âm nhạc, người dẫn chương trình và các ca sĩ, nhạc sĩ thường có những từ cửa miệng như: nhạc cờ-lát-xích (classic: cổ điển), căn-truy (country: đồng quê), đan-xơ (dance: nhảy), xinh-gờ (singer: ca sĩ), "lai-xâu" (live show: biểu diễn trực tiếp), ai-đồ (idol: thần tượng), hát pờ-lây-bách (playback: phát lại nhạc thu sẵn), v.v.
Lĩnh vực thể thao thì người ta nói "xì-pót" (sport). "Gôn" (goal: ghi bàn), "pê-nan-ti" (penalty: phạt đền) là những từ của bóng đá; "nốc-ao" (knock down) của môn "bốc-xing" (boxing: đấm bốc); "bờ-ríc-poi" (break point: lợi thế về điểm) là của môn "ten-nít": (tennis: quần vợt), v.v. Giải bóng đá lớn nhất quốc gia được người ta đặt cho một cái tên ngoại hoàn toàn: "V-league" cho giống với "champion league" của châu Âu. Gọi là "V-league" mới thể hiện tính chất "nhà nghề", "chuyên nghiệp" của giải đấu hay sao?
Trên sàn "két-oắc" (catwalk: sàn diễn thời trang) thì người mẫu, diễn viên, nhà thiết kế phải biết nói những từ: "đì-rai" (design: thiết kế), "xai" (size: cỡ), "mếch-ắp" (make up: trang điểm), "xì-tai" (style: kiểu, mẫu), "cát xê" (tiền công diễn), "chạy sô", "sô diễn" (show: diễn), v.v. thì mới thể hiện mình là người "pờ-rồ" (nói tắt của professional: chuyên nghiệp).  
Thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán thì người ta nói: đến "banh" (bank: ngân hàng) mở "ơ-cao" (account: tài khoản), xem "chát" (chart: biểu đồ), "rinh" (range: biên độ), tìm "chen" (trend: xu hướng), "chết-đơ" (trader: nhà buôn), cổ phiếu "bờ-lu-chíp" (bluechip), rút "cạc" (card: rút tiền từ thẻ), v.v.  
Lĩnh vực điện tử, tin học, mạng in-tơ-nét (internet) là địa hạt có sự cập nhật mạnh mẽ của từ ngữ, thuật ngữ tiếng Anh. Những từ ngữ tiếng Anh như: file, game, download, chip, laptop, online, offline, chat, virut, hack, hacker (tin tặc), blog, wifi, e-mail, v.v. xuất hiện ở khắp các báo chí mà hầu như không cần giải thích. Tác giả bài viết đã thử làm thống kê trong một số bài báo về tin học cho thấy: thông thường từ ngữ, thuật ngữ bằng tiếng Anh chiếm gần 4% dung lượng bài báo.
Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới lại phổ biến quảng cáo bằng tiếng nước ngoài như Việt Nam. Nước láng giềng Trung Quốc quy định quảng cáo tiếng nước ngoài bắt buộc phải phiên âm ra tiếng Hán, kể cả các thương hiệu đã rất nổi tiếng bằng tiếng Anh như: Coca cola, Walmart, v.v. Còn ở ta, xuống phố là đập vào mắt chúng ta là biết bao biển quảng cáo bằng tiếng Anh nguyên dạng không cần dịch: coffee, massage, salon, galery ,resort, fast food, tailor, beauty care, spa, v.v. Rất nhiều từ trong số đó đã được phiên âm ra tiếng Việt và đã đi vào ngôn ngữ phổ thông nhưng không được dùng như: cà phê, mát-xa, xa-lông, ga-le-ri. Số còn lại hoàn toàn có thể dịch ra tiếng Việt cho dễ hiểu: khu nghỉ dưỡng (resort), ăn nhanh (fast food), tiệm may (tailor), chăm sóc sắc đẹp (beauty care), v.v.
Ngôn ngữ sử dụng trên phương tiện thông tin đại chúng phải là ngôn ngữ chuẩn mực, phổ thông, trong sáng để ai ai cũng có thể hiểu được. Nhưng ở nước ta, từ báo viết đến báo nói, báo hình đang hình thành một trào lưu dùng tiếng Anh nguyên ngữ tràn lan. Điều đó dẫn đến hiện tượng “có nhiều người Việt Nam bỗng nhiên trở nên mù chữ vì không đọc được và hiểu được hết những gì người ta viết trên báo chí” [9] Trong những trường hợp bất đắc dĩ phải dùng tiếng nước ngoài thì cũng cần phải giải thích cho rõ ràng. Đằng này, báo đài nghiễm nhiên coi như khán thính giả Việt Nam đều thông thạo tiếng Anh. Chẳng hạn những dòng tiêu đề kiểu này: “Mỹ Linh sợ hát playback minidisc, “Nhạt liveshow, đậm phòng trà”,Nhóm côn đồ tuổi teen tấn công trưởng công an xã, “Scandal của superstar”,  v.v. (ví dụ dẫn theo [9]) Như vậy, khác nào việc dùng tiếng lóng hay biệt ngữ trong một nhóm người. Hệt như thể có gì khuất tất cần phải che giấu. Vì vậy, tâm lí chung của khán thính giả (độ tuổi trên 30) là thấy mình bị tách ra khỏi cộng đồng “tiếng lóng” đó, thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm. “Nếu một người trẻ tuổi sử dụng một câu tiếng Việt “bồi” kiểu “Nâu vấn đề.” (Không có vấn đề gì) trong khi nói chuyện với người hàng trên như ông bà, bố mẹ thì sẽ bị cho là vô lễ, thiếu giáo dục” [9]. Chúng tôi cho rằng, nhìn rộng ra, đây cũng chính là một khía cạnh vi phạm các nguyên tắc về lịch sự giao tiếp trong tiếng Việt.
2. Nguyên nhân
Vay mượn từ ngữ nước ngoài là một hiện tượng bình thường của bất kì ngôn ngữ nào. Sự vay mượn và ý thức của cộng đồng về việc tiếp nhận từ vay mượn vào mỗi giai đoạn có khác nhau. Lí giải thực trạng tiếng Anh đang làm nhiễu loạn và làm vẩn đục tiếng Việt như hiện nay, hẳn có nhiều nguyên nhân.
Trước hết là nguyên nhân về mặt lịch sử xã hội. Nước ta đang trong thời kì hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Những lĩnh vực có sự hội nhập càng cao thì vay mượn từ ngữ càng diễn ra mạnh mẽ. Tiếng Việt đứng trước nhu cầu bổ sung hàng loạt những khái niệm mới chưa có từ để biểu đạt. Tuy vậy, không ít trường hợp mượn từ không để đáp ứng một nhu cầu thiết thực, "mà chỉ là biểu hiện của ý thức không tôn trọng, không nghiêm túc đối với ngôn ngữ của dân tộc" [8]. Còn nhớ, đã có một thời gian, chúng ta phản ứng khá gay gắt với việc lạm dụng từ Hán Việt. Chẳng hạn, đã có xe đạp, máy bay, xe buýt nhưng vẫn mượn tự hành xa, phi cơ, công cộng khí xa, v.v. Và cuối cùng thì những cách nói ngoại lai kì cục như vậy cũng dần bị đào thải.
Thứ đến, phải kể đến tâm lí "sính ngoại", thích "nói chữ" của không ít cá nhân trong xã hội. Có thể thấy việc chêm, xen các từ tiếng Anh trong khi nói đang là mốt. Những phát ngôn kiểu: "anh "chếch mêu" chưa"? (check mail: kiểm tra thư điện tử), "anh "con-phơm" "in-phô" chưa"? (confirm: xác nhận, information: thông tin) rất được ưa dùng. Hoặc như lời giới thiệu dưới đây của một học sinh: Hi mọi người! Mình là , mình rất vui được làm quen với everybody. Mình đang studyHigh School. Mình rất confident trong các extracurricular activities. Hiện nay mình đang cope up with chương trình học rất killer của trường… Nhưng mình tin với capacity của mình, mình sẽ hoàn thành completely cái syllabus đó.” (dẫn theo [10]) Người ta bắt chước những Việt kiều xa quê lâu ngày quên tiếng mẹ đẻ, mỗi khi bí từ phải lắp thêm các từ tiếng Anh. Có những gia đình dạy con gọi bố là "papa", gọi mẹ là "măm" (mum). Phải chăng như thế mới là hiện đại, là biết cập nhật và "thời thượng"? Cần phân biệt những hiện tượng trên đây với hiện tượng chuyển mã ngôn ngữ, thường diễn ra ở những địa bàn có các cộng đồng đa ngôn ngữ sinh sống.
Bên cạnh đó, cổ vũ tích cực cho phong trào "tiếng Anh hóa tiếng Việt" có công lao của các cơ quan truyền thông. Từ phương tiện thông tin đại chúng đã lan truyền làn sóng nói và viết tiếng Anh. Các báo chí của ta ngang nhiên viết kèm tiếng Anh mà không cần chú thích. Thử lấy ví dụ về hai nhan đề nóng sốt trên báo điện tử Dân trí ra ngày 14 và 15/3/2010:
- "Tìm việc làm part-time..."
- "Các ngôi sao trẻ của làng showbiz Việt Nam..." [1]
Tại sao không viết: "làm thêm giờ", "làng giải trí" cho dễ hiểu? Dám chắc mấy từ tiếng Anh trên nếu không tra từ điển thì "dân" ta chẳng có mấy người "trí" được!
3. Khả năng đồng hóa
Từ vay mượn muốn đồng hóa thường phải trải qua một quá trình sử dụng khá lâu dài và được cộng đồng chấp nhận. Thực tế cho thấy, rất nhiều từ tiếng Anh đã đứng vững trong tiếng Việt như: mốt (mode), sếp (chief), phim (film), kênh (chanel), xì-căng-đan (scandal), víp (VIP viết tắt của very important person: người rất quan trọng), ca-mê-ra (camera), cốt-tông (cotton), công-ten-nơ (container), v.v.. Chứng thực cho điều này là có những từ mượn đã thay thế cho từ bản ngữ tương đương. Chẳng hạn, chúng ta đến nay hầu như quên bẵng từ "máy thu hình" mà nói "ti-vi" cho ngắn gọn.
Những từ mượn kể trên đã được Việt hóa và gia nhập từ vựng tiếng Việt phổ thông. Hầu hết, chúng đã được thay đổi về hình thức ngữ âm và nội dung ý nghĩa. Sự thay đổi ấy đã khiến nhiều từ mất vẻ ngoại lai, như: lò xo, mo ve (điện tiếp xúc chập chờn, mượn từ move), rì mù (trong tiếng Nam Bộ chỉ cái điều khiển từ xa, mượn từ remote control), v.v.
Những từ mượn đang tồn tại song song với từ bản ngữ là những từ đang trong quá trình "thử thách" khả năng đồng hóa. Tức là đã có một bộ phận người dùng muốn thay thế chúng và ngược lại. Chẳng hạn, bên cạnh tên gọi: "Festival Huế", "Festival Quan họ "có nhiều người đề nghị gọi là "Liên hoan Huế", "Liên hoan Quan họ".
4. Những hệ lụy
Tiếng Việt phổ thông đang biến tướng một cách kì quái, bị “ô nhiễm” nặng nề. “Thứ của cải quý báu của dân tộc” đang có nguy cơ mất đi vẻ đẹp trong sáng vốn có của nó. Trong xã hội lưu hành một thứ ngôn ngữ ô tạp khiến cho đại bộ phận dân chúng không hiểu thì thật là một thảm họa.
Trào lưu chêm xen từ ngữ tiếng Anh trong giao tiếp đang dẫn đến một hệ lụy là người Việt nói sai, viết sai ngày càng nhiều. Trước hết là hiện nay người ta phần nhiều đang dùng sai nghĩa các từ mượn tiếng Anh, ví dụ: “em-xi”, “tuổi teen”, v.v. [9] Hơn nữa, điều này còn dẫn đến những diễn đạt ngô nghê, dài dòng và thừa từ, như: “các fan hâm mộ”, “các sô diễn”, “tiền cátxê”, “emxi dẫn chương trình”, v.v.
Một điều dễ nhận thấy là sự hỗn loạn về phát âm và chữ viết của các từ mượn tiếng Anh. Chẳng hạn các chữ cái trong tiếng Việt hiện nay được nhiều người đọc theo lối phát âm của tiếng Anh. Thay vì đọc “a, bờ, cờ” (ACB) lại đọc là “ây, bi, xi”. Trong cùng một chương trình truyền hình, người thì đọc chữ cái viết tắt WTO là “vê kép tê ô”, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) là “xê-pê-i”; người thì đọc là “đắp-bờ-liu-ti-âu” , “xi-pi-ai” và rốt cuộc khán thính giả chẳng biết nên đọc thế nào cho đúng. Không những thế, còn có xu hướng nói lái, nói chệch các từ mượn tiếng Anh, ví dụ: xì-tin (style: phong cách) cùng với hàng loạt biến thể xì-tai, tin, tyn, xì tyn, xì teen, xì ten, xì- trét (stress: căng thẳng), pờ-rồ (professional: chuyên nghiệp), đì-rai (design: thiết kế), v.v. Điều này sẽ gây khó dễ cho các nhà nghiên cứu từ vựng học về sau trong việc truy nguyên từ ngữ.
Vấn đề xử lí về chữ viết các từ mượn tiếng nước ngoài đã gây không ít khó khăn cho những người muốn viết lách một cách nghiêm túc. Chẳng hạn “phần lớn người Việt không biết viết tên nước Xinh-ga-po thế nào cho đúng”. Trên mặt báo cùng lúc từ này được viết là Xingapo, Singapo, Singapore hoặc Xinhgapo. [9] Hoặc như từ “teen” đã trở nên quá phổ biến thì viết viết thế nào: “tin” hay “teen”? Nếu cứ sử dụng lối viết nguyên dạng không những trái với quy định chính tả tiếng Việt mà còn làm rối mắt, giảm mĩ quan của văn bản.  
5. Ứng xử ngôn ngữ
Trước cuộc "xâm lăng" của tiếng Anh, thái độ ứng xử của chúng ta như thế nào? Ứng xử ngôn ngữ trước hết được thể hiện trong những chính sách quản lí về ngôn ngữ của nhà nước. Ngôn ngữ nào cũng chịu sự chi phối của các quy luật phát triển và đào thải. Nó giống như những cái cây. Nếu phóng sinh, không chăm chút cắt cành tỉa lá thì nó sẽ hoang dã, rườm rà khó coi. Ứng xử ngôn ngữ còn được quyết định bởi mỗi cá thể trong xã hội. Mỗi người tự lựa chọn cách nói, cách viết theo tri thức, thẩm mĩ và văn hóa của mình. Các cá thể lại có ảnh hưởng lẫn nhau và làm thành truyền thống ngôn ngữ - văn hóa của cộng đồng.
Nhà thơ Xuân Diệu từng nói: “Sự trong sáng của ngôn ngữ là kết quả của một cuộc phấn đấu”. Cuộc phấn đấu này không chỉ của riêng ai mà của toàn thể xã hội. Đối với các cơ quan quản lí và hoạch định chính sách về ngôn ngữ, việc xây dựng các quy chuẩn về tiếng Việt, trong đó thống nhất các quy tắc mượn từ ngữ nước ngoài, các nguyên tắc phiên âm tiếng nước ngoài là hết sức cần thiết trong lúc này. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giám sát và có những chính sách điều chỉnh kịp thời các sai phạm về ngôn ngữ và chữ viết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi cá nhân nên có thái độ đúng đắn và nghiêm túc đối với các hành vi lạm dụng tiếng Anh, viết sai, viết chệch chữ viết, làm méo mó, biến dạng tiếng Việt.
Quả thật, việc mượn từ nước ngoài là cần thiết, nhất là vì yêu cầu diễn đạt chính xác khái niệm và sắc thái ngữ nghĩa của từ. Hoàn toàn không nên khiên cưỡng, không nên tẩy chay từ mượn. Đối với những từ ngữ được cộng đồng chấp nhận và sử dụng với tần suất cao thì có thể chuẩn hoá bằng cách bổ sung vào từ điển tiếng Việt hiện đại.
Thế nhưng, "chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu." [6] Ấy là chưa kể đến việc phát âm sai, nói và viết sai từ mượn vì trình độ ngoại ngữ hạn chế của người dùng. Tục ngữ có câu: "Xấu hay làm tốt, "dốt hay nói chữ". Bệnh "nói chữ" "là một thứ bệnh hay lây và vì vậy không dễ trị" [7]. Đừng làm tiếng Việt trong sáng trở thành ngôn ngữ pha tạp, lai căng vì bệnh "nói chữ".

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1.      Báo điện tử Dân trí (dantri.com.vn) ra ngày 14 và 15/3/2010
2.      Nguyễn Văn Chiển, “Báo động về tình trạng pha tạp tiếng Việt”, Báo Nhân dân điện tử (nhandan.com.vn), ra ngày 07/10/2007
3.      Phạm Văn Đồng, "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", Tạp chí Văn học, 3/1966
4.      Nguyễn Văn Khang, Từ ngoại lai trong tiếng Việt, NXB. Giáo dục, H., 2007
5.      Nguyễn Văn Khang, “Sự tác động của xã hội đối với ngôn ngữ và những vấn đề đặt ra đối với chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8/2010, tr. 12-29
6.      Hồ Chí Minh, Sửa đổi lề lối làm việc, Nhà xuất bản Sự thật, H., 1959
7.      Phạm Văn Tình, “Nhân năm học mới, nghĩ về tiếng Việt hôm nay”, Báo CANDonline (cand.com.vn), ra ngày 11/09/2011
8.      Hoàng Tuệ, “Nhu cầu mượn từ”, Ngôn ngữ đời sống, số 6/2005
9.      Lê Đình Tư, “Tiếng Tây không làm sang tiếng Việt”, Tạp chí Tri thức trẻ, 6/2010
10.  http://blogs.go.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét