Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Về cách hiểu một câu văn...

Về cách hiểu một câu văn
 trong Bạch Đằng giang phú

(đã đăng TC Ngôn ngữ & Đời sống)

         Ths. Đỗ Phương Lâm

Bạch Đằng giang phú là một kiệt tác của Trương Hán Siêu (? - 1354). Đó là một thiên anh hùng ca bất hủ trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cùng với Nam quốc sơn hà, Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), v.v. Bạch Đằng giang phú là một trong những “gương mặt” tiêu biểu, xứng đáng có một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học nước nhà. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và làm rõ những giá trị đích thực của tác phẩm là công việc đáng lưu tâm.
Bạch Đằng giang phú đã được nhiều người chuyển dịch, trong đó có những dịch giả tên tuổi như: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Văn Nguyên, Lê Trí Viễn. Sự uyên bác và tài hoa của các dịch giả đã cho chúng ta những áng văn dịch đẹp đẽ, thậm chí ở nhiều đoạn, âm điệu, lời văn của bản dịch nghe còn du dương, hùng hồn và xúc động, có lẽ là vượt cả nguyên tác. Tuy thế, vẫn còn những chỗ các bản dịch chưa thật thống nhất với nhau và đáng bàn hơn là: chưa thật bám sát nội dung nguyên tác. Bài viết này chỉ xin góp lời bàn về cách hiểu câu: "Tiếp kình ba ư vô tế, trám diêu vĩ chi tương mâu" 接鯨波於無際, 尾之相繆 trong bài Bạch Đằng giang phú, mong bổ sung một cách nhìn mới về nội dung và nghệ thuật của câu văn.
1. Câu văn trên từ trước tới nay vốn được coi là "tuyệt bút" "ngợi ca thiên nhiên kỳ vĩ", "ngợi ca non sông gấm vóc tươi đẹp" [2,146] nơi "Bạch Đằng giang". Đó là điểm tương đồng của các bản dịch, còn điểm khác biệt cơ bản lại ở cách chú giải 2 chữ "diêu vĩ" 鷂尾. Cụ thể như sau:
(a) Dịch giả Bùi Văn Nguyên trên cơ sở bám sát nghĩa cơ bản của từng chữ Hán (diêu : chim trĩ; : cái đuôi), dịch thành: "Bát ngát sóng kình muôn dặm, thướt tha đuôi trĩ một màu"  [3,507]
Nhưng nếu quả là Trương Hán Siêu khi xưa tả cái đuôi chim trĩ mà ông mục kích khi du ngoạn trên sông Bạch Đằng thì nào có gì đáng nói, nào có gì đáng gọi là sự phô trương, phóng đại trong thể loại phú. Bởi vậy, các dịch giả hầu hết đã đi tìm một cách lý giải khác, mĩ lệ hơn, hoành tráng hơn.
(b) Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch "diêu vĩ" thành "dặng ác": "Trắng xoá sóng kình muôn dặm, xanh rì dặng ác một màu", và chú giải thêm: "dặng ác: chỉ dãy núi có nhiều ngọn và xanh sẫm" [6.89]
(c) Phải chăng cả 2 bản dịch trên "rằng hay thì thật là hay" nhưng vẫn còn những chỗ chưa ổn, chưa thật hoàn hảo nên những người biên soạn bộ sách Thơ văn Lý Trần Hợp tuyển thơ văn Việt Nam đã kết hợp chúng lại để có một bản dịch mới: "Lớp lớp sóng kình muôn dặm, xanh xanh đuôi trĩ một màu". Sách còn chú thích thêm: "đuôi trĩ: nguyên văn là đuôi diêu, diêu là một loài chim dữ, giống như chim ưng nhưng nhỏ hơn, lông màu tro, cũng có khi để chỉ chim trĩ hoặc chim bắt cá. ở đây tác giả dùng để miêu tả một cách hình tượng màu sắc của núi non phản chiếu xuống mặt sông." [4.745]
(d) Riêng Lê Trí Viễn thì lại có một cách cắt nghĩa hoàn toàn mới so với các bản dịch trước: "Sóng kình tiếp nhau ở chỗ không bờ, đuôi trĩ nhúng vào nước đang cắt sóng." (?) Ông chú thêm: "chim trĩ, một loài chim có đuôi giống như lái thuyền, diêu vĩ đây chỉ bánh lái thuyền" [7.143]
Như vậy, điểm qua mấy bản dịch tiêu biểu, ta thấy sự không thống nhất thể hiện rất rõ. Do gò vần, ép đối mà bản dịch nào cũng thêm vào những từ ngữ vốn không có trong nguyên tác: “bát ngát><thướt tha, trắng xoá><xanh rì, lớp lớp><xanh xanh”, v.v.  Một số câu dịch thừa từ, làm giảm hiệu quả thẩm mĩ, như: đã “bát ngát” lại thêm “muôn dặm”; đã “xanh rì”/ “xanh xanh” lại thêm “một màu”. Chính Trương Hán Siêu trong tác phẩm này đã viết: “Thuỷ thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu” (trời nước một màu, phong cảnh cuối thu). Chỉ cần nói “nhất sắc” đã đủ biết là màu gì rồi, nào cần phải “xanh rì” hay “xanh xanh” nữa.
Riêng về hai chữ "diêu vĩ", đại loại ta thấy có ba cách hiểu khác nhau:
- đuôi con chim trĩ (a)
- dặng núi, bóng núi (b), (c)
- bánh lái thuyền (d)
2. Vậy "diêu vĩ" là gì? nên chú giải theo cách nào cho thoả đáng? Để có thể trả lời câu hỏi này, ta cần đặt hai chữ "diêu vĩ" vào trong văn cảnh của bài phú, vào trong thế đối ngẫu với "kình ba" 鯨波(sóng kình, sóng lớn) ở vế trên. Trước hết, cách dịch của Bùi Văn Nguyên là “đuôi trĩ”, như đã nêu là không hợp lí, vì “kình ba” là hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng, mà “đuôi trĩ” lại là tả thực! Còn hiểu “diêu vĩ” là dặng núi, bóng núi thì không thấy có cơ sở nào (xin đọc lại cách lập luận trong chú thích (c) đã dẫn). Duy có cách liên tưởng đuôi trĩ “giống như lái thuyền” của Lê Trí Viễn thoạt nghe có vẻ hợp lí hơn. Nhưng nếu Trương Hán Siêu tả những chiếc lái thuyền của quân ta rẽ nước, trong tư thế tự hào của người chiến thắng mà lại dùng hình ảnh biểu trưng là đuôi trĩ thì... lại không hợp lí. Chưa nói, “diêu” (chim diều hâu - một loài ác điểu) là hình ảnh khi xuất hiện trong văn học (Việt Nam cũng như Trung Quốc) thì thường gắn với ý nghĩa phản diện. “Diêu vĩ” chắc hẳn phải có ý nghĩa khác!
Tham khảo thêm các từ điển tiếng Hán, "vĩ" ngoài các nghĩa là “đuôi, chỗ cuối cùng” (của vật) còn là tên một vì sao: sao Vĩ- một ngôi sao trong Nhị thập bát tú. [1]
Trong thế đối ngẫu: “kình ba”- “diêu vĩ”, các danh từ chỉ loài vật "kình" (cá voi) và "diêu" được dùng như những tính từ, lấy tính chất của chúng làm định tố. Nếu đã  hiểu "sóng kình tức là sóng lớn" [4,745] thì "diêu vĩ", theo chúng tôi, cũng có nghĩa như là "hung tinh": sao dữ, sao ác! "Kình" (to lớn) và "diêu" (hung ác), một trên trời, một dưới nước, chính là những hình ảnh tượng trưng cho quân thù hung bạo, hiểm ác.
3. Nhìn rộng ra toàn câu, ta còn thấy câu văn trên không phải thuần tuý tả cảnh đẹp thiên nhiên, mà chủ yếu là "phô diễn ý chí và nguyện vọng của kẻ sĩ", hay của chính tác giả. Nhưng đáng tiếc là tất cả các bản dịch mà chúng tôi đã dẫn ở trên đều không thể hiện được nội dung đó. Chính bởi các dịch giả đã bỏ qua việc chuyển dịch các động từ "tiếp" (đón, đương đầu) và "trám" (dìm xuống nước, nhấn chìm), được đặt trong thế đối ngẫu với nhau.
Theo chúng tôi, câu văn này nên dịch là:
"Cưỡi sóng dữ ngoài biển thẳm,
Dìm sao ác dưới dòng sâu".
Có như vậy, ta mới thấy hình ảnh hùng tráng của con người với những hành động mạnh mẽ, chiến thắng kẻ thù và chinh phục tự nhiên. Câu văn được viết bằng khí thế hừng hực của những ngày kháng chiến, với lòng tự hào vô bờ bến về sức mạnh của dân tộc. Đó mới chính là điều mà Trương Hán Siêu muốn ngợi ca về danh thắng - chiến tích: sông Bạch Đằng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1.     Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam (Thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII), NXBGD, H., 1997.
2.     Nguyễn Phạm Hùng, Văn học Lý Trần nhìn từ thể loại, NXBGD, 1996.
3.     Trần Lê Sáng (chủ biên), Trần Thị Băng Thanh, Ngô Đức Thọ, Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 2, NXBKHXH, H., 1997.
4.     Viện Văn học (Nguyễn Huệ Chi chủ biên), Thơ văn Lý Trần, Tập II, quyển Thượng, NXBKHXH, H., 1988.
5.     Bùi Duy Tân, Khảo và luận một số tác gia- tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Tập 1, NXBGD, H., 1999.
6.     Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Phú Việt Nam cổ và kim, NXBVH-TT, H., 2002.
7.     Lê Trí Viễn (chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, Tập III, NXBGD, 1996.
8.     Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập II, NXB Văn Hoá, H., 1963.



[1] Xin xem:
- Từ điển Hán Việt điện tử, bản kết hợp từ điển Thiều Chửu và Trần Văn Chánh;
- Từ hải, Từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, 1989;
- Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1993;
v.v.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét