Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Suy nghĩ về việc ứng dụng tin học
vào dạy học và nghiên cứu Hán Nôm
                    
Ths. Đỗ Phương Lâm
Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Hải Phòng

(Bài đăng trên Kỉ yếu hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng dạy và học trong trường phổ thông nhờ sự hỗ trợ của thiết bị và phần mềm dạy học”, ĐHSP, HCM, 11/2005)

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Với nhiều ngành khoa học ở nhiều lĩnh vực, tin học đã hỗ trợ tích cực, đã trở thành công cụ đắc lực. Riêng với Hán Nôm, thoạt nhìn vào đối tượng và phương pháp nghiên cứu của nó, chúng ta dễ có cảm giác đây là một ngành có sức ỳ lớn, có cách biệt về thời gian và khả năng tiếp cận với tin học. Thực tế, tin học có thể hỗ trợ được gì và hỗ trợ như thế nào cho chúng ta, những người giảng dạy, học tập và nghiên cứu Hán Nôm. Thiết nghĩ, đứng trước yêu cầu cấp bách của việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy - học tập Hán Nôm, đây là một vấn đề có tính thực tiễn rất đáng  để chúng ta quan tâm và đưa ra bàn luận. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trao đổi một số vấn đề xung quanh việc dạy – học Hán Nôm ở hệ cao đẳng.
1. Đối với việc dạy học.
Có thể thấy lợi ích trước nhất  là ứng dụng tin học vào việc soạn và thể hiện (trình chiếu) các bài giảng. Điều này có được do đặc tính xử lý thông tin với tốc độ cao, dung lượng lớn và khả năng hiển thị rõ nét trong không gian đa chiều của máy tính mà không một phương tiện nào trước đây có được.
1.1. Cụ thể là, với việc soạn giáo án bằng máy tính, giảng viên có thể đưa vào bài giảng một khối lượng tư liệu, dẫn chứng minh hoạ hết sức phong phú, đồ sộ. Đồng thời, giảng viên còn có thể thiết lập bài giảng của mình như một cuốn phim với hình ảnh, màu sắc sinh động và hấp dẫn với chương trình Microsoft Powerpoint, Proshow gold, Macromedia Flash Player, v.v.. Bằng phần mềm này, giảng viên có thể định sẵn bài giảng của mình dưới dạng các hoạt cảnh.
Chẳng hạn, với kiểu bài thực hành đọc hiểu, minh giải văn bản Hán Nôm, giảng viên có thể chia bài học thành các phần nhỏ thích hợp. Các hoạt cảnh là từng bước giới thiệu phần chính văn, theo đó là phiên âm văn bản, các vấn đề ngữ pháp, hệ thống điển cố, điển tích (nếu có), các câu hỏi gợi ý minh giải... Điều này vừa giúp người học dễ tiếp thu, vừa tạo hứng thú cho họ tham gia tích cực vào hoạt động dạy- học. Chỉ riêng việc giảng viên không phải chép cả đoạn văn bản chữ Hán dài lên bảng; người học không phải theo dõi văn bản qua các trang chép tay hoặc photocopy, mà có thể tiếp xúc văn bản thông qua màn hình máy chiếu, vừa rõ ràng, vừa chính xác đã là rất hữu ích.
Đặc biệt, với các bài dạy cách thể hiện chữ Hán, các nét cơ bản, quy tắc đếm nét, quy tắc bút thuận..., thiết kế bài giảng thông qua các hoạt cảnh giúp người học nắm bắt nhanh hơn, thuận tiện hơn. Hay với bài lịch sử chữ Hán qua sự phát triển về hình thể, tự dạng, có những minh hoạ bằng hình ảnh: hình vẽ trên mai rùa, xương thú, chữ chạm khắc trên đồ đồng, đồ đá... là vô cùng cần thiết. Thêm nữa, mới đây các chuyên gia tin học ở Trung Quốc, Đài Loan đã xây dựng được những hệ thống chữ Hán điện tử rất phong phú với các kiểu chân, thảo, triện, lệ..., và mô phỏng vô số các kiểu thư pháp của các danh bút như: Trương Chi, Triệu Mạnh Phủ, Vương Hy Chi, Nhạc Phi, v.v.. Chúng ta có thể thừa hưởng những thành tựu này để giúp người học có những hiểu biết nhất định về thư pháp và thực hành thư pháp.
Nhưng tiện lợi hơn cả là đối với những bài giảng mà ở đó cần có sự minh hoạ của các thác bản cổ, tư liệu cổ. Không thể đưa một tấm bia đá Văn Miếu, một quả chuông đồng, một bản sắc phong, một tờ chiếu, một pho sách cổ lên giảng đường cho người học "mục kích" "sở văn". Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể thấy được những hình ảnh trung thực  của những di vật này thông qua các dữ liệu ảnh (image) hoặc phim (video). Với sự hỗ trợ của máy ảnh kỹ thuật số (digital camera) hoặc máy quét ảnh (scanner), ngày nay chúng ta có thể tự xây dựng kho dữ liệu ảnh tư liệu cho riêng mình với những đặc tính: có độ nét cao, có thể phóng to thu nhỏ tuỳ ý, hết sức gọn gàng và tiện lợi trong truy cập, xử lý. Không thể nói hết những hứng thú của người học khi được tận mắt thấy "bản gốc" Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo...  Còn đối với những văn bản có nhiều dị bản như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm... hay những văn bản còn có nhiều tồn nghi như Nam quốc sơn hà, thật kỳ diệu đối với người học có thể đối chiếu, so sánh những dị biệt ngay trên giảng đường.
1.2. Như vậy, với những tính năng vượt trội, máy tính đã mở ra những tiện ích vô cùng to lớn cho các "thầy đồ thời hiện đại". Vấn đề là khi vận dụng vào thực tế, chúng ta phải căn cứ vào đặc điểm, điều kiện của riêng mình mà linh hoạt sử  dụng những công cụ hữu hiệu. Chẳng hạn, để soạn thảo, chế bản bài giảng, tài liệu, ta có thể dùng các phần mềm Microsoft Word, Adobe Acrobat, Ventura, Amipro, Page Maker, Quak Xpress...; để  hiển thị, trình diễn ta dùng Microsoft Powerpoint, Microsoft Frontpage; để tạo hiệu ứng nghệ thuật ta có Photoshop, 3D Max, v.v.
2. Đối với việc nghiên cứu
 Việc giảng dạy - học tập  luôn đi đôi với việc tự học, tự nghiên cứu. Mà muốn nghiên cứu sâu rộng về một vấn đề nào đó, không riêng chỉ Hán Nôm mà với bất cứ ngành khoa học xã hội và nhân văn nào, nguồn tư liệu bao giờ cũng là yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Một kho tư liệu quý giá gồm các văn bản đầy đủ, phong phú, hệ thống các bài viết, bài nghiên cứu từ cổ chí kim, từ đông sang tây là mơ ước của bất cứ người nghiên cứu nào. Với máy tính, ước mơ đó có thể trở thành hiện thực. Ta có thể có được một thư viện “tầm cỡ quốc gia” ở bên mình, sẵn sàng phục vụ cho việc tra cứu bất cứ lúc nào.
Tra cứu tư liệu bằng máy tính nhanh chóng và tiện lợi ngoài sức tưởng tượng của ta. Mà nhu cầu tra cứu, tìm tòi là nhu cầu thường trực đối với bất kỳ người nghiên cứu nào. Thật cực chẳng đã cho những lúc ta gặp một tên nhân vật, một tác giả, một câu nói, một điển cố, một điển tích, một câu văn, một câu thơ, hay một ý tưởng nào đó mà ta không nhớ rõ xuất xứ, cũng không thể tra cứu trong số sách vở hạn chế của ta. Vậy là đành phải gác vấn đề cần tìm hiểu lại. Trong những trường hợp như thế, người sử dụng máy tính chỉ việc gõ một vài kí hiệu, nhấn nút "tìm kiếm", và trong nháy mắt, tất cả những nguồn dữ liệu có liên quan sẽ hiện lên, thay vì việc phải đến thư viện lần giở từng trang sách hết sức vất vả và mất thời giờ. Cứ như là phép tiên vậy! Tất nhiên, muốn có được sự tiện lợi đó, ta phải có được nguồn dữ liệu đủ mạnh.
2.1. Trước hết, bản thân người nghiên cứu phải tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của chính mình. Ta có thể dùng các phần mềm hỗ trợ cho việc nạp dữ liệu cũng như tìm kiếm dữ liệu hết sức thông minh như: Microsoft Access, Microsoft Excel, Foxpro.... Mỗi bài giảng, mỗi bài viết, mỗi công trình nghiên cứu, hay những kiến thức ghi chép lại trong quá trình tự học, tự đọc của chính ta sẽ trở thành nguồn tư liệu qúy giá nếu ta biết cách giữ gìn và khai thác chúng có hiệu quả. 
Kinh nghiệm cho thấy đây không phải là công việc một sớm một chiều, mà nó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và cả lòng nhiệt tình, hăng say lao động. Nếu việc xây dựng cơ sở dữ liệu có được sự hỗ trợ, cộng tác của nhiều người lại càng tốt hơn. Bởi vì kho dữ liệu của chúng ta không chỉ đơn thuần dưới dạng văn tự, mà còn có thể là âm thanh, hình ảnh...
2.2. Ngoài ra, những người nghiên cứu có thể sử dụng, khai thác các nguồn dữ liệu từ bên ngoài, nhất là thông qua đường truyền Internet.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực máy tính, chương trình chuyên dụng cho thư viện OPAC có thể quản lý và trợ giúp tra cứu tại chỗ hay qua Internet một cách nhanh chóng hàng triệu đầu sách. ở Trung Quốc và Đài Loan, người ta đã sử dụng hệ thống tra cứu tư liệu toàn văn chữ Hán (CTP/FTMS). Họ đã tổ chức việc xây dựng những kho tư liệu khổng lồ, đặc biệt là hệ thống các thư tịch cổ như: Tứ thư, Ngũ kinh, Tả truyện, Chiến Quốc sách, Sử ký, Thuyết văn giải tự, Đường thi, Tống từ... ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có kế hoạch và đang triển khai việc "điện tử hoá" kho di sản Hán Nôm của dân tộc. Đây vừa là công việc phục vụ cho việc bảo tồn di sản Hán Nôm một cách hữu hiệu nhất, vừa là cách làm cho những di sản ấy "cất cánh" phục vụ cho việc khai thác của đông đảo những người dạy học và nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi đang từng ngày mong chờ giây phút kho tư liệu Hán Nôm điện tử chính thức được đưa lên mạng.  
Hiện nay, chúng ta có thể tạm bằng lòng với việc khai thác dữ liệu thông qua các trang web tại nhiều địa chỉ khác nhau. Ta có thể download từ trên mạng Internet cả một cuốn từ điển Hán Việt có dung lượng lớn hoặc các phần mềm soạn thảo font chữ Hán, chữ Nôm. Thông qua các trang web, người nghiên cứu có thể tham khảo các bài viết, bài nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước hoặc cùng trao đổi học thuật trực tuyến trên các diễn đàn (Forum). Một số địa chỉ có thể tham khảo là: http://www.viethoc.org; http://www.hanosoft.com,…
Riêng về chữ Nôm, hiện nay chúng ta đã được Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO-IEC 10646/JTC 1/SC 2/WG 2 chấp nhận đưa vào chuẩn Unicode và ISO 10646 gần 11.500 chữ Nôm. Font chữ Nôm đã được khá nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng như Nhóm Nôm Na (Hà Nội), Đỗ Quốc Bảo và Nhóm Ni cô tại thiền viện Viên Chiếu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Viện Văn tự kính Mojikyo Nhật Bản, Công ty Dynalab Hồng Kông…[1] Phần  mềm tra cứu chữ Nôm trên mạng NLT đã được xuất bản tại địa chỉ http://www.nomfoudation.org. Ngoài ra, Hue soft và Hanosoft cũng đã bước đầu cho ra mắt các bộ gõ và từ điển tra cứu chữ Nôm.
Để có thể ứng dụng tin học vào công tác dạy - học và nghiên cứu Hán Nôm có hiệu quả, một yêu cầu thiết yếu là đội ngũ giảng viên phải sử dụng thành thạo máy tính. Cho nên, những "đồ nho tân thời" không những phải "dùi mài kinh sử", mà còn phải trau dồi thêm những tri thức tin học mới hòng đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình mới. Những suy nghĩ trên đây cũng chỉ là những kinh nghiệm ít ỏi trong quá trình giảng dạy bộ môn Hán Nôm của người viết, dám mong đồng nghiệp chỉ giáo.



[1] Theo Ngô Trung Việt. (VietNamNet 28/11/2004)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét