Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

BÁC HỒ ĐÃ VIẾT NGUYÊN TIÊU NHƯ THẾ NÀO?

ĐỖ PHƯƠNG LÂM

Rằm tháng Giêng năm 1948, Bác viết bài thơ Nguyên tiêu. Sáu mươi năm sau, ngày bài thơ ra đời đã được chọn là Ngày thơ Việt Nam. Đặc biệt, bài thơ còn vinh dự xếp vị trí đầu tiên trong tuyển tập Một trăm bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỉ XX. Tuy vậy, công việc “bếp núc” khi Bác viết bài thơ này đến nay chúng ta còn chưa tỏ tường. Điều gì đã khơi nguồn cảm hứng để Bác viết Nguyên tiêu? Bác đã vận dụng những nguồn thi liệu cổ nào để hoàn thành bài thơ? Bài viết này là một vài kiến giải ngõ hầu giúp bạn đọc trả lời những câu hỏi trên.
1. Trước hết, cần tìm hiểu về bối cảnh ra đời của Nguyên tiêu. Đầu xuân năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương mở rộng, nhằm vạch ra phương hướng và nhiệm vụ cho một giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới 1950. Thời gian này, những cuộc họp “quân cơ quốc kế” thường được tổ chức ở những nơi kín đáo, nhằm đảm bảo bí mật. Sau một cuộc họp, từ “yên ba thâm xứ”, Bác cùng đoàn cán bộ đi thuyền trở ra chiến khu Việt Bắc. Lúc ấy đã nửa đêm, trăng rằm sáng vằng vặc trên sông, Bác đã tức hứng ngâm bài Nguyên tiêu.
Có lẽ Nguyên tiêu là bài thơ đạt kỉ lục về thời gian hoàn thành nguyên tác chữ Hán và bản dịch Nôm nhanh nhất: chỉ sau vài phút. Chính nhà thơ Xuân Thủy, người ngồi bên Bác ngay trên thuyền kể lại rằng, nhân trăng sáng cảnh đẹp, Bác đọc hai câu thơ:
                                           “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
                                                      Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.”
                                            (Đêm nay, đêm rằm tháng Giêng, trăng đúng độ tròn,
                                              Sông xuân, nước xuân nối tiếp trời xuân.)
rồi thêm hai câu nữa thành bài Nguyên tiêu. Các đồng chí cùng đi trầm trồ tán thưởng và đề nghị Bác cho dịch ra tiếng Việt. Bác bảo: “Có Xuân Thủy đây, Xuân Thủy dịch đi”. Sau một hồi suy nghĩ, Xuân Thủy đọc bản dịch:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Bác khen: “Dịch lưu loát, giữ được chất thơ, nhưng dòng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch chỉ có hai chữ xuân, thế là ý thì đủ mà chữ còn thiếu”. Như vậy đủ thấy Bác đã có dụng ý khi đặt ba chữ xuân trong câu thơ thứ hai.
Nếu xét về nghĩa nguyên văn chữ Hán, người đọc dễ có cảm giác câu thơ thứ hai lặp ý ở các cụm từ: “xuân giang”, “xuân thủy” . Bởi lẽ “thủy” cũng có nghĩa là sông, đồng nghĩa với “giang. Đó là điều tối kị trong thơ Đường luật. Song ở đây, Bác đã chơi chữ bằng cách lấy tên đồng chí Xuân Thủy làm trung tâm cho câu thơ. Chính các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc đã từng phát hiện ra điều này: “Hồ Chí Minh thật khéo léo lấy tên người bạn chiến đấu bên cạnh là Xuân Thủy để gợi hứng miêu tả cảnh vật.” ([1])
Như vậy, với Nguyên tiêu, Bác hoàn toàn không có ý định làm một tuyệt tác phẩm. Đối với Bác thơ là đời sống. Thơ phục vụ đời sống. Bác dùng thơ để thư giãn sau những giờ phút mệt mỏi, căng thẳng để vui vẻ, khích lệ, động viên anh em cán bộ, chiến sĩ. Vậy là trong lúc “xuất khẩu thành thơ” người đã để lại cho chúng ta một kiệt tác.
2. Bác Hồ là một nhà Hán học uyên bác và rất am tường về văn thơ chữ Hán. Điều đó khiến cho Bác có khả năng “tập cổ” bất cứ lúc nào và ứng tác rất nhanh. “Tập cổ” là một thú tiêu khiển tao nhã của Người những lúc thư nhàn, những lúc tạm gác việc quân, việc nước để thưởng thức văn chương. Phần nhiều những bài thơ chữ Hán của Bác đều có sử dụng các thi liệu cổ, nhất là thi liệu Đường, Tống, như: Thướng sơn, Vãn cảnh, Bệnh trọng, Nạn hữu chi thê thám giam, Nạn hữu xuy địch, Trung thu 2, v.v. Thậm chí, có những bài thơ, Bác “tập” gần như nguyên vẹn một bài thơ cổ, như: Thanh minh (dựa theo bài thơ cùng nhan đề của Đỗ Mục), Tặng Trần Canh đồng chí (dựa theo Lương Châu từ của Vương Hàn). Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi có tới ba trong số bốn câu thơ của bài Nguyên tiêu Bác sử dụng thi liệu cổ.
Câu thứ nhất: “Kim dạ nguyên tiêu, nguyệt chính viên” chính là câu thơ đầu trong bài Tây đình西亭 (Mái đình phía tây) của Lí Thương Ẩn: “Thử dạ Tây đình, nguyệt chính viên” 此夜西亭月正圓 (Đêm ấy, ở đình tây, trăng đúng độ tròn). Bác đã thay các chữ “thử” (này, ấy) thành “kim” (nay), trạng ngữ địa điểm “Tây đình” thành trạng ngữ thời gian “nguyên tiêu”. Mặt khác, Bác cũng dùng cái cách mà Lí Thương Ẩn thường làm để đặt nhan đề cho các bài thơ đó là hư hóa chủ đề bài thơ bằng cách rút một vài chữ trong các câu thơ làm nhan đề. Cụ thể ở Tây đình Nguyên tiêu là rút hai chữ thứ 3, 4 trong câu thơ đầu tiên làm nhan đề.  
Câu thơ thứ ba: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự煙波深處談軍事 (Nơi sâu thẳm giữa vùng khói sóng, bàn bạc việc quân) thường khiến nhiều người liên tưởng tới âm hưởng Hoàng Hạc lâu黃鶴樓của Thôi Hiệu: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu煙波江上使人愁 (Khói sóng trên sông khiến lòng người buồn). Nhưng kì thực ở đây, Bác đã mượn ý thơ của Cao Bá Quát trong bài Thú nhàn: “Yên ba thâm xứ hữu ngư châu煙波深處有漁舟 (Trong vùng khói sóng sâu thẳm còn có con thuyền câu).
Và câu cuối: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền夜半歸來月滿船 (Nửa đêm trở về, trăng đầy thuyền) cũng thường được người ta đem so sánh với câu cuối trong danh tác Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền夜半鐘聲到客船 (Tiếng chuông chùa lúc nửa đêm vọng đến thuyền lữ khách). Nhưng theo chúng tôi, Bác đã vận dụng câu thơ của Hàn Ác (Đường) trong bài Túy trước (Say mèm)[2]. Bài thơ của Hàn Ác cũng có câu cuối: “Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền 過午醒來雪滿船 (Quá trưa ông chài tỉnh dậy, tuyết tràn đầy thuyền). Mặc dù hai câu thơ chỉ giống nhau ba chữ: “lai”, “mãn”, “thuyền”, song đem so sánh về cú pháp ta thấy hoàn toàn tương đồng:

Thành phần câu
Nguyên tiêu
Túy trước
Tương đồng
Trạng ngữ thời gian
Quá ngọ
Dạ bán
chức vụ cú pháp
chủ ngữ 1
tỉnh lược
tỉnh lược
chức vụ cú pháp
vị ngữ 1
động từ (tỉnh)
động từ (quy)
chức vụ cú pháp
chủ ngữ 2
danh từ (tuyết)
danh từ (nguyệt)
chức vụ cú pháp
bổ ngữ
lai
lai
từ ngữ và cú pháp
vị ngữ 2
mãn thuyền
mãn thuyền
từ ngữ và cú pháp


Điều đáng nói là những vần thơ cổ khi đi vào những tác phẩm của Bác đều ánh lên một vẻ tươi mới, một màu lạc quan cách mạng, một sức sống mãnh liệt, rất hiện đại, rất “Hồ Chí Minh” ([3]).
Nếu như Lí Thương Ẩn trong tâm trạng cô đơn, trằn trọc của lữ khách trước một vầng trăng tròn nơi viễn xứ “Cô hạc tòng lai bất đắc miên孤鶴從來不得眠 (cánh hạc cô lẻ bay qua, không thể chợp mắt), thì Bác lại sum vầy, vui say cùng vầng trăng viên mãn, trong tâm trạng của những người chiến sĩ lo toan quốc gia đại sự.
Trong bài Thú nhàn, “yên ba thâm xứ” là nơi Cao Bá Quát thả một con thuyền câu để xa lánh nhân gian, xa lánh cuộc trần ai tục lụy, thỏa chí ẩn dật của Đào Tiềm. Bác lại lấy đó làm nơi màn trướng lo sách lược quân mưu. “Đàm quân sự” đã biến tâm sự của nhà Nho bất đắc chí, yếm thế ở vế đầu câu thơ chuyển thành tư tưởng nhập thế hồ hởi của những người lo toan gánh vác quốc gia đại sự. Chưa nói đến “đàm quân sự” là “văn bạch thoại”, tách mình ra khỏi không khí “văn ngôn” của toàn bài.
Ngư nhàn cho chúng ta thấy hình ảnh một lão ngư tiều vui thú tiêu dao say túy lúy đến nỗi không hay biết cái giá lạnh của băng tuyết phủ đầy thuyền. Câu thơ có ý nghĩa phúng thích những bất công, oan trái của xã hội bao phủ lên từng mảnh đời cô đơn, bất hạnh. Đến câu thơ của Bác lại là con thuyền chở đầy ánh trăng viên mãn với ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng của niềm vui, của hạnh phúc đang được đoàn chiến sĩ chở về với nhân dân.

*
*    *
Từ một đêm trăng đẹp trong tình đồng chí, đồng đội thân thiết, gắn bó đã khiến Bác liên tưởng và làm mới những tứ thơ cổ. Nguyên tiêu được viết trong khoảnh khắc. Một khoảnh khắc bao trùm cả cổ kim. Một khoảnh khắc đã trở thành vĩnh cửu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
1. Tài liệu của Đại học Sư phạm Quảng Tây (bản điện tử) 广西师范大学出版社2003 (http://www.bbtpress.com/)
2. Đỗ Phương Lâm, “Bác Hồ, một nhà Hán học uyên thâm”, Kỉ yếu Ngữ học trẻ, H., 2004
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H., 2000
4. Dương Tá Nghĩa 杨佐义 (chủ biên), Toàn Đường thi 全唐诗, Trường Xuân xuất bản xã 长春出版社, 2001


([1]) Nguyên văn: “Hồ Chí Minh xảo diện địa bả thân biên đích chiến hữu Xuân Thủy đích danh tự tức hứng dụng tiến miêu tả cảnh vật đích thi cú trung.” 胡志明巧妙地把身边的战友春水的名字即兴用进描写景物的诗句中。
([2]) Từ lâu ở nước ta, nhiều sách vở vẫn cho rằng đây là bài thơ Ngư nhàn của Dương Không Lộ (đời Lý). Tuy nhiên, chúng tôi đã có lần khẳng định Ngư nhàn chính là Túy trước của Hàn Ác. Xin xem: Đỗ Phương Lâm, “Đi tìm xuất xứ một bài thơ”, Tạp chí Hán Nôm, số 4-2002
([3]) Như câu: “Cử đầu hồng nhật cận” trong bài Thướng sơn Bác mượn của Khấu Chuẩn (Tống); câu: “Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình” Bác mượn từ ý thơ “Thủy lưu hoa lạc lưỡng vô tình” của Thôi Đồ (Đường), v.v.

1 nhận xét:

  1. Bài nghiên cứu khá chi tiết
    Nhưng cũng chỉ là Nghiên Cứu .
    Có câu hỏi là tại sao Tg không dùng cảnh Xuân San mà dùng Xuân GIang ? Theo thi pháp thì nó đã lặp ý giữa hai từ Giang và Thủy .
    Nếu dùng San thì cũng ko ảnh hưởng gì mà câu thơ lại đầy hơn về ý cảnh:

    Xuân san xuân thủy tiếp xuân thiên (?)

    Trả lờiXóa