Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Một số cảm nhận về
thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương
                                                       Đỗ Phương Lâm
(Bài đã đăng trên Kỉ yếu Ngữ học trẻ 2003)


Hồ Xuân Hương là một nữ thi nhân huyền thoại của dân tộc ta. Thơ chữ Nôm của nàng đã trở thành đề tài được các học giả, các nhà nghiên cứu bàn luận sôi nổi từ nhiều năm nay. Nói đến Hồ Xuân Hương người ta thường nói đến thơ Nôm. Đó là một hồn thơ vô cùng đặc sắc và hấp dẫn, rất dữ dội, nồng nhiệt, táo bạo, nhưng cũng có lúc lả lơi, bỡn cợt; một nghệ thuật thơ vô cùng điêu luyện và sành sỏi ở mỗi câu, mỗi chữ. Những bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương lại là những viên ngọc quý phủ vải điều, chưa chiếu rọi hào quang đến những độc giả yêu thơ. Vẫn nóng bỏng, phóng khoáng, nhưng lại thâm trầm, trang nghiêm và đầy trăn trở, ưu tư ...
Tham thưởng những vần thơ chữ Hán, ngõ hầu giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc đời, con người, tư tưởng, tình cảm của người phụ nữ rất mực tài hoa và nhiều nỗi truân chuyên ấy.
Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương sưu tầm được không nhiều. Việc sưu tầm Thơ chữ Hán của nàng cũng là công việc mới mẻ chỉ thực sự được đặt ra trong khoảng 40 năm trở lại đây. Tuy nhiên, những nỗ lực của các nhà nghiên cứu, cùng sự phát hiện nhiều tài liệu mới, có những trùng hợp, hô ứng nhau, khiến chúng ta có thể tin tưởng về quyền tác giả của Hồ Xuân Hương đối với những bài thơ chữ Hán hơn là những bài thơ Nôm truyền tụng .
Có thể kể các trước tác thơ bằng chữ Hán của nàng đã được các nhà nghiên cứu (Trần Văn Giáp, Cao Huy Du, Hoàng Xuân Hãn, Trần Thanh Mại, Đào Thái Tôn) xác minh chính xác "lí lịch"  là : những bài thơ chép trong tập Lưu Hương kí [1] và 5 bài vịnh cảnh Hạ Long (Chu thứ Hoa Phong tức cảnh bát thủ) [2]. Còn có thể tiếp: 8 bài thơ vịnh cảnh Đồ Sơn (Đồ Sơn bát vịnh) và 10 bài trong Xuân đình cổ nguyệt thi tập, nhưng xuất xứ của những tác phẩm này còn có nhiều tồn nghi, chưa chứng minh được đích xác quyền tác giả của Hồ Xuân Hương.
Tìm hiểu đề tài và nội dung Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương, ta cùng đọc mấy lời bình của Nham Giác Phu Tốn Phong Thị - một người tình, một bạn thơ của Hồ Xuân Hương, người được nàng tin cậy, nhờ viết bài tựa giới thiệu tập thơ mà có lẽ nàng tâm đắc nhất. Tốn Phong Thị viết : "Cố "lưu hương" chi kí, tuy xuất ư phong, vân , nguyệt, lộ chi dư, nhi kì phát hồ trung tâm, nhi hình ư ngôn ngữ, diệc phát hồ tình, chỉ hồ lễ nghĩa chi tạo ý"
(Cho nên, những ghi chép để "lưu hương" tuy là bắt nguồn từ gió, mây, trăng, móc mà đều phát ra từ đáy lòng, biểu hiện thành lời nói, lại cũng đều đúng với cái ý đã nói trên kia là xuất phát từ tình yêu mà biết dừng lại trên lễ nghĩa )
Nhìn xuyên suốt các bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, có thể thấy 2 mảng đề tài chính đó là thơ miêu tả ngoại cảnh và thơ xướng hoạ, tâm sự cùng bạn thơ, hay chính là những "người tình thơ". Tuy khởi nguồn cảm hứng từ những cảnh vật thiên nhiên ( thơ vịnh cảnh), từ những đề tài định trước (thơ xướng hoạ), nhưng dù ít dù nhiều, dù xa dù gần, bài thơ nào cũng xoay quanh những tình cảm yêu đương, luyến ái. Và đặc biệt là những tình cảm lúc da diết, lúc tê tái, lúc thổn thức, ngậm ngùi đó đều được nàng đều bày tỏ qua thơ một cách rất thầm kín, nhuần nhị. Điều đó ứng với cái ý " biết dừng lại trên lễ nghĩa" mà Tốn Phong Thị đã nhận xét chăng?
1. Thơ miêu tả ngoại cảnh nằm trong Chu thứ Hoa Phong tức cảnh bát thủ (8 bài tức cảnh khi chèo thuyền trên Vịnh Hạ Long) và Đồ Sơn bát vịnh (8 bài vịnh cảnh Đồ Sơn), đề tài không khác biệt nhiều so với những bài thơ "hoài cổ", "tức sự", "vịnh", "cảm"... trong mảng thơ Nôm truyền tụng . Thế nhưng nội dung, tư tưởng, phong cách nghệ thuật, ngôn từ... của hai mảng thơ này lại hoàn toàn trái ngược nhau. Trong thơ Nôm, Hồ Xuân Hương tả Động Hương Tích:
"Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật chen chân xọc
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm"
        hay Chùa Quán Sứ:
"Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo"
Rất ngỗ ngược, rất trịch thượng. Một tính cách lạ lùng. Cửa Phật thâm nghiêm, u tịch nhưng với Hồ Xuân Hương không phải không thể đùa cợt.

Thế nhưng với chữ Hán - thứ chữ từng được mệnh danh là "chữ  Thánh hiền", "địa hạt" của các nhà Nho "mũ cao áo dài", thường dùng để "ngôn chí" (nói chí), "cảm hoài" (bày tỏ nỗi niềm), "vịnh cảnh" (tô vẽ , ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên)- ta lại gặp Hồ Xuân Hương ung dung, đạo mạo thả bước giang hồ:
"Lan nhiêu tuỳ ý dạng trung lưu,
Cảnh tỉ sơn dương cánh giác u.
Sinh diện độc khai vân lộ cốt,
Đoạn ngao [3] tranh kị khách hồi đầu.
Bằng Di [4] điệp tác kình thiên trụ,
Long nữ [5] thiêm vi hải ốc trù.
Đại đế [6] Thuỷ Hoàng tiên vị cập,
Cố lưu Nam điện củng kim âu. "
Dịch nghĩa:
Thả mái chèo lan, để mặc cho thuyền dập dềnh giữa dòng,
Qua gần chân núi lại thấy cảnh càng vắng.
Mây bay, làm lộ ra những ngọn núi sừng sững
Như những chân con ngao thần chống trời, khiến khách ngoái đầu trông.
Bằng Di chắc cũng dùng chúng làm cột chống trời
Long Nữ lại đem về làm trụ cho lâu đài dưới biển.
Thuỷ Hoàng hẳn chưa từng đi kinh lý đến nơi này,
Vì trời muốn giữ cho nước Nam vững chãi tựa âu vàng.

Khi ngao du, rong chơi trên mặt vịnh, bỗng thấy những cột đá cao sừng sững chọc thẳng lên trời, Hồ Xuân Hương đã cảm ngay được nét đẹp tráng lệ của thiên nhiên đất nước. Bài thơ dùng nhiều điển tích dẫn từ thần thoại và lịch sử Trung Quốc cổ đại để ví von, tô vẽ cho cảnh sắc thêm huyền bí, thêm hùng vĩ. Trong nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương, ta thấy nàng sử dụng điển cố, điển tích rất thành thục. Điều đó càng chứng tỏ Hồ Xuân Hương là một cô gái có tài học và được đào tạo rất căn bản, tuy không theo lối cử nghiệp nhưng kiến thức văn chương rất rộng, rất uyên bác. Câu kết bài thơ Cố lưu Nam điện củng kim âu mang đầy tinh thần "trượng phu hữu trách". Nàng trầm tư như một bậc quân vương khi bồi hồi nhớ lại rằng chính nơi này cha ông ta đã mấy lần đánh bại thuỷ quân Hán, thuỷ quân Nguyên. Câu thơ khiến ta liên tưởng đến 2 câu thơ của vua Trần Nhân Tông:
"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Giang sơn thiên cổ điện kim âu"
( Xã tắc hai phen mệt ngựa đá
Giang sơn nghìn thuở vững âu vàng)
Trong cuộc đời mà "phấn son càng tủi phận long đong" (Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu), Hồ Xuân Hương chắc hẳn đã đi nhiều nơi, qua nhiều miền non nước, và cũng vì thế mà nàng được thăm thú nhiều cảnh đẹp. Điều đó có lẽ là do số phận éo le đưa đẩy, song qua những vần thơ của nàng, ta còn có thể thấy rằng nàng là một phụ nữ có thú tiêu dao, muốn để cho "khối tình" của nàng "cọ mãi với non sông".
Bài "Trạo ca thanh" ( tiếng hát chèo thuyền) thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm, óc tưởng tượng phong phú, kĩ thuật dùng điển cố, gọt đẽo câu chữ rất sành nghề. Bài thơ dùng nhiều cách ví von, so sánh các hình tượng và các thành ngữ Hán : tiệm giác, chỉ tùng, tận giao, già mạc để ngụ ý sâu xa. Hiểu được các câu thơ sau chẳng phải dễ dàng:
Linh lung tứ bích liệt vân bình
Ngọc duẩn sâm si thoảng diện bình
Tiệm giác Đào Nguyên [7]sơn tác hộ
Chỉ tùng Ngư Phố thạch đồn binh
Tận giao Tạ khách du nan biến
Già mạc Vân Lâm hoạ bất thành
Dao vọng thuỷ cùng sơn tận xứ
Hốt nhiên xung xuất trạo ca thanh.

(Nguyên chú: Tạ Linh Liên hiếu du sơn thuỷ,
Ngọc Vân Lâm hiếu hoạ sơn thuỷ)

Dịch nghĩa:
Bốn phía giăng giăng những bức bình phong bằng mây,
Lô nhô trên mặt nước phẳng, những phiến đá như những cây măng nhọn chĩa lên trời.
Dần dần thấy núi đá tạc cửa vào động Đào Nguyên,
Riêng theo bến nước , đá xếp hàng như quân lính.
Đến như Tạ Linh Liên đi xem cũng khó hết,
Ngay cả Ngọc Vân Lâm vẽ  cũng chẳng thành.
Mải ngóng về chốn sơn cùng, thuỷ tận
Bỗng nhiên đâu đó tiếng hát chèo thuyền cất lên.

2. "Lưu Hương kí là một tập thơ tình yêu hiếm hoi vào khoảng đầu thế kỉ XIX". Các bài thơ chữ Hán trong tập phần lớn là thơ xướng hoạ, nhưng vẫn là "những câu thơ có việc , có người." Không phải chỉ là những mĩ từ sáo rỗng mà là "Có buồn vui, thương nhớ . Có oán giận, mong chờ. Có niềm tin, nỗi sợ... Tất cả đều được viết ra bởi một tấm lòng tha thiết, ước mong có được mối tình chung thuỷ, niềm khát khao, nỗi ước mong chính đáng về một nhu cầu đôi lứa, một hạnh phúc bền lâu... " ( Đào Thái Tôn)
Bài thơ số V (bài xướng của Hồ Xuân Hương ) trong chùm thơ xướng hoạ cùng Trần Quang Tĩnh [8], dưới đầu đề Dữ Nam Sơn Hiệp Trấn Quan Trần Hầu xướng hoạ là một bài thơ hay thuộc thể tài này.
Bình thuỷ  tương phùng [9] nguyệt hạ tôn,
Cương trường phiến phiến thuộc nan ngôn.
Khiêu cầm hữu ý minh hoàng xướng [10],
Nhiễu thụ vô đoan ngữ thước huyên.
Thuỳ tục già thanh quy Hán khuyết [11],
Tự tu liên bộ xuất Hồ môn.
Bán diên biệt hậu tình đa thiểu,
Mạch mạch không li Sảnh Nữ [12] hồn .
Dịch nghĩa:
Thân bèo nước gặp lại nhau, cùng uống rượu dưới trăng,
Tấc lòng son sắt thực khó tỏ bày.
Gảy đàn, người có ý muốn hát khúc Phượng Cầu,
Rung cây, vô thức chim khách lại kêu vang.
Ai chuộc tiếng đàn bị gông cùm về cung Hán?
Tự thẹn vì gót sen đã vào cửa Hồ.
Nửa bữa tiệc rồi li biệt, biết sau tình còn bao nhiêu?
Phút phút chẳng rời hồn Sảnh Nữ.

Theo lời bài thơ này và cả những bài thơ khác trong chùm thơ xướng hoạ giữa hai người thì Hồ Xuân Hương và Trần Quang Tĩnh hẳn đã là một đôi bạn tri kỉ từ lâu. Họ cùng mến mộ tài văn chương của nhau và ngầm có ý mong muốn kết mối tơ duyên. Song Trần Quang Tĩnh có những ngại ngần mà chàng không thể vượt qua nổi. Còn Xuân Hương, phận gái cũng cam lòng. Đường đời chia hai lối. Sau nhiều năm li tán, họ gặp nhau nơi đất khách quê người . Chính là lúc "bình thuỷ tương phùng" này. Vì tình xưa mới chỉ e ấp trong lòng, họ đâu dám vồn vã, mà chỉ thù tiếp nhau như hai người bạn cũ. Bên chén rượu, dưới ánh trăng, họ cùng đàm đạo văn thơ, còn chuyện... thì thấy "nan ngôn" (khó nói). Chính vì vậy mà Hồ Xuân Hương mới dùng một loạt điển tích để khéo léo, kín đáo nói chuyện lòng mình. Muốn nghe Trần quân hát khúc Cầu hoàng , muốn Trần quân cũng như Tào Tháo khi xưa trọng tài nàng mà đưa nàng về cung Hán. Nhưng nàng lại mặc cảm bởi thân phận lỡ dở của mình ( lúc này hẳn Xuân Hương đã trải qua vài cuộc tình): "Tự thẹn vì gót sen đã qua cửa Hồ rồi " (Tự tu liên bộ xuất Hồ môn.)

3. Đặc sắc hơn cả trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương đặc sắc hơn cả là mảng thơ trữ tình. Đây là những bài viết theo thể ca, từ:
- Thuật ý kiêm trình hữu nhân Mai Sơn Phủ ( Thuật ý mình và giãi bày ý bạn là Mai Sơn Phủ),
- Quỳnh diên (Tiệc Quỳnh),
- Nguyệt tà ( Trăng tà),
- Thu tứ ca ( Bài ca viết theo thi tứ mùa thu),
- Nguyệt dạ ca I (Bài ca đêm trăng I),
- Nguyệt dạ ca II (Bài ca đêm trăng II),
- Ngư ông khúc hành (Khúc hát ông chài),
ở những bài thơ này, bút pháp nghệ thuật rất điêu luyện, thơ và nhạc kết hợp khéo léo trong mỗi con chữ, ít dùng điển, mà từ ngữ vẫn rất hàm ngôn, giục trí tưởng tượng.
Đáng chú ý là bài Nguyệt tà . Bài thơ được viết với một thi tứ dạt dào, ngập tràn cảm xúc, tả nỗi lòng nàng giữa một đêm trăng thanh vắng, cảnh sắc gợi nhớ về một "cố nhân"  nào đó mà ở quãng đời trước đây nàng đã cảm thấy "tiếng đã đồng, lòng đã cùng" (thanh dã tương đồng, khí dã tương đồng). Trong ngây ngất, nàng như lạc bước đến chốn Vu Phong (?) và tưởng rằng từ đây sẽ được thoả nguyện (ân ái thử tao phùng).
Nguyệt tà nhân tĩnh thú lâu trung
Ngoạ thính đồng long,
Khởi thính đồng long,
Dạ bán ai giang hưởng bán không.
Thanh dã tương đồng,
Khí dã tương đồng,
Tương tư vô tận ngũ canh cùng.
Tâm tại Vu Phong,
Hồn tại Vu Phong,
Ân ái thử tao phùng.
Dịch thơ:
Trăng tà người lặng tựa lầu không
Nằm lắng chuông đồng,
Dậy lắng tương đồng,
Đêm vắng sóng buồn vang mé sông.
Thanh đã tương đồng,
Khí đã tương đồng,
Tương tư vô tận ngũ canh cùng.
Tâm ở Vu Phong,
Hồn ở Vu Phong,
Âi ái thoả tao phùng .
( Đào Thái Tôn dịch)

Cuối bài thơ, nàng trở về với thực tại, tiếc một quá khứ "phồn hoa" đã không đến trong đời nàng (Phồn hoa tích dĩ không). Chúng tôi đồ rằng: Hồ Xuân Hương đã gặp gỡ "cố nhân" này từ lúc tuổi đương xuân, tự thấy lòng mình tha thiết yêu người đó, thấy người đó đúng là "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" với mình. Nhưng vì lí do nào đó, "cố nhân" đã không đến với nàng.
 Thời gian trôi đi, rồi đến một ngày được tin của "cố nhân" :  "sớm nay lại thấy mấy nhành hồng" (Kim triêu hựu kiến sổ chi hồng), nàng đã thật dịu dàng : "Này con oanh nhỏ đừng mang gió xuân đi nhé" (Oanh nhi mạc đới xuân phong khứ). Nhưng lúc này, có lẽ nàng đã "long đong" qua vài cuộc tình duyên lỡ dở, nên tự ví thân mình như "hoa đào" mỏi mệt: " chỉ lo hoa đào không còn sức nở giữa gió xuân nữa" (Chỉ khủng đào yêu vô lực tiếu đông phong).
Nguyệt dạ ca, bài I, ta có thể suy đoán ít nhiều về những cuộc tình duyên lận đận của Hồ Xuân Hương :
Uyển cố nhân hề thiên nhai,
ái bất kiến hề tâm bồi hồi.
Đài hoang Thần Nữ [13]miếu,
Vân tán Sở Vương [14] đài.
Minh nguyệt quang như thử,
Ngã tư chi nhân hề an tại tai?
Dịch nghĩa:
Người xưa dịu dàng chừ nơi chân trời,
Yêu mà chẳng gặp chừ lòng bồi hồi.
Miếu Thần Nữ hoang phế,
Đài Sở Vương mây vần vũ.
Trăng sáng soi như thế
Người ta nhớ mong ở nơi nào?
Trong cuộc đời nhiều gặp gỡ và chia ly, Hồ Xuân Hương có khá nhiều mối tình (với Nguyễn Du, với Tốn Phong Thị, với Trần Quang Tĩnh, với Mai Sơn Phủ...). "Cố nhân" được nhắc đến trong bài thơ này không biết là vị tình nhân nào? Nhưng chắc rằng ân tình của nàng với người đó là rất sâu nặng. Có thể chàng đã đến với nàng như bậc quân vương trong một câu chuyện cổ, một lần và ra đi mãi mãi. Để nàng thấy lòng hoang vu, trống trải như miếu Thần Nữ, như đài Sở Vương- những công trình được dựng lên để kỉ niệm mối tình một đêm thôi, rồi nhanh chóng bị vùi vào quên lãng. Hồ Xuân Hương dùng điển Thần Nữ miếu, Sở Vương đài là muốn kín đáo nói những chuyện tế nhị ấy chăng?

4. Thơ Nôm truyền tụng  mang phong cách hoàn toàn xa lạ, nếu không nói là đối lập với thơ Nôm của Hồ Xuân Hương trong tập Lưu Hương kí , và nhất là với các bài thơ chữ Hán. Đến nay, Lưu Hương kí  được coi là tài liệu có độ tin cậy cao nhất về những sáng tác còn được truyền lại của Hồ Xuân Hương. Trong bài tựa tập Lưu Hương kí , Nham Giác Phu Tốn Phong Thị có dẫn lời của chính Hồ Xuân Hương rằng: "Đây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước đến nay, nhờ anh làm cho bài tựa."  (Thử ngã bình sinh lí lịch sở trước tác dã, quân kỳ tự yên.)
Hồ Xuân Hương đưa tập thơ Lưu Hương kí  cho Tốn Phong Thị và nói đó là tất cả thơ văn trong đời mình, hẳn là đã có ý thức nâng niu, trân trọng, gìn giữ "những đứa con đẻ tinh thần" ấy. (Lưu Hương kí: những ghi chép để lưu lại hương thơm cho đời). Nhưng tại sao Hồ Xuân Hương lại không hề đưa vào Lưu Hương kí  một bài thơ nào mang phong cách thơ Nôm truyền tụng  kia? Phải chăng, chính nàng cũng chỉ coi đó là những sáng tác "ngoài luồng", "những đứa con ngoài giá thú"? Tức là, Hồ Xuân Hương tuy "sinh" ra những bài thơ Nôm truyền tụng  mà không muốn "khai sinh" cho chúng? Và sự tồn tại của "những đứa con rơi" ấy là do công lao sưu tầm, "nuôi dưỡng" của những người yêu thơ đương thời và hậu thế. Từ đây, chúng ta cũng có quyền hồ nghi rằng Hồ Xuân Hương không phải là tác giả đích thực của những bài thơ Nôm truyền tụng . Hoặc đó chỉ là những bài thơ được gả gán cho Hồ Xuân Hương mà thôi. Hoặc đó  là những sáng tác của Hồ Xuân Hương đã bị "dân gian hoá", bị khúc xạ, thêm thắt theo thời gian và theo qui luật "sáng tác tập thể", tới mức khác xa phong cách của nàng (phong cách Lưu Hương kí).
*
*      *

Đọc kĩ mấy chục bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trong tập Lưu Hương kí  và các bài thơ khác có liên quan, cảm nhận chung nhất của chúng tôi về nàng khác với những gì chúng ta vẫn biết, vẫn nghĩ, vẫn nói về con người, cuộc đời, tính cách của một "Bà chúa thơ Nôm". Chúng tôi thực sự ngạc nhiên và cảm thấy thú vị khi thấy nàng xuất hiện như một nữ sĩ nho nhã trong các bài thơ vịnh cảnh, lại thấy nàng là người phụ nữ có ân tình sâu nặng, khát khao yêu thương cháy bỏng trong các bài thơ xướng hoạ, và thật nhiều tâm sự, lãng mạn, giàu xúc cảm trong thơ trữ tình. Những ngạc nhiên và thú vị ấy rồi đây sẽ thôi thúc chúng tôi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, kĩ hơn về những vấn đề mà bài viết này mới chỉ đề cập đến. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có thể trả lời câu hỏi : tư tưởng cốt lõi của Hồ Xuân Hương là gì và đâu là những tác phẩm của nàng, đâu là những giá trị chân thật về con người, cuộc đời nàng?

                                                                                      Hải Phòng, tháng 3 năm 2003
             





([1]) Lưu Hương kí là tập thơ được tìm thấy trong tủ sách gia đình ông Nguyễn Văn Tú (Nam Định). Theo Trần Thanh Mại thì tập thơ này "chỉ  có 22 trang giấy viết hàng 8, tổng cộng là 30 đầu đề với 52 bài. Trong 52 bài này, có 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm.
([2]) Chu thứ Hoa Phong tức cảnh bát thủ chép trong sách Phượng Sơn từ chí lược (VHv 1740), được Trần Văn Giáp và Cao Huy Du công bố trên Tuần báo Văn nghệ số 41 (7/2/1964). Tuy tên gọi là  "bát thủ" , nhưng sách chỉ chép có 6 bài. Bài cuối cùng người ta đều ngờ là của người khác nên chỉ giữ lại 5 bài.
([3] ) Theo sách Hoài Nam Tử : Thời thượng cổ, 4 cột chống trời bị gãy, chín châu sụt vỡ, Nữ Oa - Nữ thần đầu người mình rắn, là thuỷ tổ loài người , chặt chân con rùa lớn (ngao) làm 4 cột chống trời.
([4] ) Bằng Di : Tên một thuỷ thần trong Nam Hoa kinh ( Trang Tử). Trong thơ Tào Thực, vị này được coi ngang với Nữ Oa.
([5] ) Long Nữ : Tên nữ thần cai quản các loài thuỷ tộc dưới bể hoặc dưới vực sâu.
([6] ) Thuỷ Hoàng : Vua Tần , sau khi thống nhất Trung Quốc, đã đi tuần thú, kinh lí nhiều nơi, đến phương Nam, mới đi qua vùng Cối Kê ( nước Việt) thì đột ngột lâm bệnh và mất.
([7]) Đào Nguyên : Cõi tiên - thế giới bất tử , cuộc sống an nhàn sung sướng.
Điển: Đào Tiềm (376-427, Đời Tấn) viết Đào hoa nguyên kí, kể chuyện người đánh cá (Ngư phủ) chèo thuyền ngược dòng nước trong rừng hoa đào ở đất Vũ Lăng, qua một cửa động, đến một vùng có dân cư đời Tần (hơn 600 trăm năm trước) tránh loạn ở đó. Sau Ngư phủ muốn trở lại Đào Nguyên nhưng không tìm thấy cửa động nữa.
([8]) Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn: sách Đại Nam thực lục có ghi: Trần Quang Tĩnh làm Hiệp trấn Sơn Nam hạ. Những vần thơ xướng hoạ giữa Hồ Xuân Hương và Hiệp trấn Sơn Nam hạ là vào khoảng năm Kỷ tỵ (1809) khi Hiệp trấn bị bệnh xin về nghỉ.
([9]) Bình thuỷ  tương phùng: (bèo nước gặp nhau)
Vương Bột có câu: "Bình thuỷ tương phùng tận thị tha hương chi khách" (bèo nước gặp gỡ, tất thảy đều là khách tha hương ). Ta có thể phỏng đoán nơi Hồ Xuân Hương và Trần Quang Tĩnh xướng hoạ cùng nhau hẳn là nơi "đất khách quê người" đối với hai người. Chắc là Hà Nội.
([10]) Hoàng xướng : Hát khúc Cầu hoàng hay khúc Phượng cầu hoàng (Phượng trống tìm phượng mái): tên khúc đàn mà tài tử đời Hán là Tư mã Tương Như ( tự là Trường Khanh) gảy để quyến rũ Trác Văn Quân - một phụ nữ goá chồng rất có nhan sắc. ý Hồ Xuân Hương muốn nói, khi xưa Trần quân đã có ý "cầu hoàng" với mình.
([11]) Hán khuyết/ Hồ môn : Điển: Thái Diệm là người con gái có tài thổi kèn, bị xiêu bạt vào đất Hung Nô ( rợ Hồ) . Tào Tháo mến tiếng kèn của nàng bèn chuộc nàng về cung Hán.  
([12]) Sảnh nữ:  Tức Sảnh Nương khi xưa muốn lấy Vương Trụ nhưng cha mẹ không bằng lòng. Nàng hoá bệnh  nằm bất tỉnh. Vương Trụ buồn bã bỏ nhà đi xa. Dọc đường thấy Sảnh Nương đuổi theo. Hai người bèn lấy nhau rồi trốn đi làm ăn xa. 5 năm sau, vợ chồng về làng, Vương Trụ đi trước, vào xin lỗi cha mẹ. Vợ chồng  Trương Dật sửng sốt vì Sảnh Nương ốm nặng đang nằm trong buồng. Đến khi vợ chồng vào đến sân, Sảnh Nương cũng lìa buồng chạy ra đón. hai Sảnh Nương ôm lấy nhau và nhập làm một: thì ra suốt 5 năm hồn Sảnh Nương đã lìa xác theo Vương Trụ.
         ([13]) Thần Nữ miếu: Miếu này nằm ở phía đông Vu Sơn , tỉnh Tây Xuyên, Trung Quốc. Điển: Con gái của Xích Đế là Giao Cơ chết trẻ, chôn ở bắc Vu Sơn. Sở Hoài Vương đi chơi qua nơi này, tới Dương Đài nằm mơ giao hoan cùng nữ thần, bèn lập miếu thờ.
([14]) Tức Sở Hoài Vương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét